LUYỆN ĐỀ TSH.EDU ĐỀ LUYỆN THI THỬ NĂM HỌC 2024-2025 ĐỀ SỐ 03 Đọc văn bản sau: Mùa cỏ nở hoa Con yêu ơi! Nếu mẹ là cánh đồng Con là cỏ nở hoa trong lòng mẹ Dẫu chẳng đủ rộng dài như sông bể Vẫn chứa chan ngày nắng dưới mặt trời Khi đêm về hứng muôn ánh sao rơi Sương lấp lánh đọng trong ngần mỗi sớm Cỏ yêu nhé cứ hồn nhiên mà lớn Phủ xanh non lên đất mẹ hiền hòa Rồi một ngày cỏ nở thắm muôn hoa Cánh đồng mẹ rộn ràng cùng gió mát Cỏ thơm thảo tỏa hương đồng bát ngát Và rì rào cỏ hát khúc mùa xuân Những mạch ngầm trong đất mãi trào dâng Dòng nước mát ngọt ngào nuôi dưỡng cỏ Niềm hạnh phúc giản đơn và bé nhỏ Được bên con mãi mãi đến vô cùng (Hồng Vũ, Văn học và tuổi trẻ số tháng 3 năm 2019, trang 44) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1 (1.0 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên. Ghi lại các từ láy trong các câu thơ in đậm. Câu 2 (1.0 điểm). Chỉ rõ và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau: Cỏ thơm thảo toả hương đồng bát ngát Và rì rào cỏ hát khúc mùa xuân Câu 3 (1.0 điểm). Ghi lại những hình ảnh thể hiện tình cảm của mẹ dành con trong bài thơ. Nhận xét về giá trị biểu đạt của các hình ảnh đó. Câu 4 (1.0 điểm). Mẹ là người luôn yêu thương con, sát cánh cùng con trên mọi chặng đường đời; tình mẫu tử là một tình cảm vô cùng thiêng liêng. Là một người con, theo em, chúng ta cần làm gì để vun đắp tình cảm tốt đẹp đó? II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích mười dòng thơ cuối bài thơ “Mùa cỏ nở hoa” của Hồng Vũ. Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Tình yêu thương của mẹ chính là thứ tình cảm vô giá giúp con trưởng thành. Chúc các em làm bài tốt ! ĐÁP ÁN Thời gian 90 phút Phần Câu Nội dung Điểm I 1 - Thể thơ tự do - Các từ láy trong đoạn thơ: chứa chan, lấp lánh 0,5 0,5 2 - Biện pháp tu từ: + Nhân hoá: Cỏ thơm thảo; Cỏ hát. + Hoặc Ẩn dụ: Hình ảnh “cỏ” biểu tượng chỉ người con. - Tác dụng: + Gợi hương thơm của cỏ, âm thanh rì rào cỏ hát khúc mùa xuân. + Bộc lộ niềm hạnh phúc, vui sướng, lạc quan, yêu đời, tràn trề sức trẻ của con khi nhận được tình yêu thương của mẹ. 0,5 0,5 3 - Hình ảnh thể hiện tình cảm của mẹ dành con được thể hiện trong bài thơ: mẹ là cánh đồng; chứa chan ngày nắng dưới mặt trời; sương lấp lánh đọng trong ngần mỗi sớm; đất mẹ hiền hòa; cánh đồng mẹ… - Hiệu quả biểu đạt của các hình ảnh đó: + Tình yêu thương của mẹ dành cho con, hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành, khôn lớn của con. + Tình cảm rất tự nhiên, chân thành, sâu sắc. 0,5 0,5 4 - Những việc con cần làm : Yêu thương, chia sẻ, cảm thông, đồng cảm, thấu hiểu, giúp đỡ, tôn trọng… 1,0 II 1 - Hình thức đoạn nghị luận văn học dài 200 chữ (20 dòng); Bố cục chặt chẽ (không bắt buộc kiểu đoạn); Cấu trúc mạch lạc. - Nội dung: + Hình ảnh người con: hình ảnh cỏ bé nhỏ, cần được mẹ yêu thương, săn sóc, chở che, nuôi dưỡng, là niềm vui, niềm hi vọng của mẹ cỏ hồn nhiên, cỏ phủ xanh non, con trưởng thành, khôn lớn từ vòng tay yêu thương của mẹ cỏ nở thắm muôn hoa, cỏ thơm thảo tỏa hương. + Hình ảnh người mẹ: hình ảnh cánh đồng rộng lớn, bát ngát, màu mỡ để nuôi dưỡng cỏ lớn khôn → tình yêu thương vô bờ của mẹ dành cho con cánh đồng mẹ rộn ràng gió mát, mạch ngầm trong đất, dòng nước mát. * Đánh giá + Cách sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa khiến bài thơ trở nên chặt chẽ, mọi yếu tố đều liên hệ mật thiết với nhau, bài thơ trở nên sâu sắc và lôi cuốn hơn. + Cảm xúc của nhân vật trữ tình – người mẹ trở nên tự nhiên, chân thực và trọn vẹn hơn. -> Bài thơ là lời của người mẹ gửi gắm và nhắn nhủ đến con: lòng mẹ là cánh đồng, chan chứa ánh nắng, lấp lánh ánh sao. Con chính là cỏ hồn nhiên hạnh phúc, vui sướng, phủ xanh, nở hoa thắm trên cánh đồng, đem lại niềm hạnh phúc và sự bình yên cho cánh đồng của mẹ -> Tình yêu thương vô bờ của mẹ dành cho con. 0,5 1,5 2 - Hình thức: Bài nghị luận xã hội (dài 400 chữ) lập luận chặt chẽ; trình bày sạch đẹp; không mắc lỗi diễn đạt, chính tả. - Nội dung: suy nghĩ về ý kiến: Tình yêu thương của mẹ chính là thứ tình cảm vô giá giúp con trưởng thành. Mở bài. Dẫn dắt giới thiệu vấn đề. Khẳng định đây là ý kiến đúng. Thân bài: - Giải thích: Thế nào là tình yêu thương; Tình yêu thương của mẹ dành cho con. -> Tình yêu thương, đức hi sinh, tình cảm vô bờ của mẹ là tình cảm vô giá, là điểm tựa tinh thần giúp con trưởng thành. - Bàn luận: + Vai trò của Tình yêu thương của mẹ chính là thứ tình cảm vô giá giúp con trưởng thành: Mẹ sinh ra con; nuôi dưỡng con trưởng thành; định hướng cho con trên đường đời; giúp con đứng dậy sau những vấp ngã; đồng hành cùng con trên đường đời…. - Biểu hiện, ví dụ trong thực tế cuộc sống. - Mở rộng vấn đề: có những người mẹ vì hoàn cảnh không thể yêu thương, không có trách nhiệm với con. - Liên hệ với bản thân. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận, rút ra bài học. 1,0 3,0 Hãy trải nghiệm sự khác biệt cùng TSH.EDU để biến bộ môn Ngữ Văn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hiệu quả! 📞 Hotline 0988.563.786 🌐 Website https://tsh-education.mysapo.net/ 📩 Email tsh.edu.vn ❤️Fanpage https://www.facebook.com/share/1BegUrAbKZ/?mibextid=wwXIfr 🎵Tiktok https://www.tiktok.com/@tsh.vanhoc ▶️ Youtube https://www.youtube.com/@TSH2018
LUYỆN ĐỀ TSH.EDU ĐỀ LUYỆN THI THỬ NĂM HỌC 2024-2025 ĐỀ SỐ 02 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Đọc văn bản: CHIM THÊU Chiều chủ nhật ba thường đi dạo,Các cửa hàng bày áo trẻ con.Lòng ba không khỏi riêng buồn,Ngắm từng kiểu áo, nhớ con vô cùng!Lũ chúng nó ngăn sông cản núi,Áo ba mua khôn gửi về Nam.Nhìn đàn trẻ nhỏ xênh xang,Áo thêu chim trắng, ba càng thương con.Con trong đó sớm hôm nức nở,Nghẹn lời ca dưới mỏ quạ đen.Mẹ con chẳng vụng đường kim,Áo con chẳng dám thêu chim hoà bình.Ba ôm tấm áo xanh giữa ngựcTưởng chừng nghe thổn thức tim con.Bâng khuâng cặp mắt đen tròn,Chắt chiu vẳng tiếng chim non gọi đàn...Treo áo con bên bàn làm việc,Nhìn chim thêu, ba viết thơ này.Áo không gửi được hôm nay,Thì ba giữ lấy, mai ngày cho con.Ngày mai ấy, nước non một khối,Giở áo này, thấu nỗi niềm xưa,Đàn em con đó, bây giờ,Áo thêu chim trắng, tha hồ vui chơi. Mùa xuân 1957 Nguyễn Bính, Đêm sao sáng, 1962, NXB Văn học Thực hiện các yêu cầu Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên? Câu 2 (1 điểm). Ghi lại những từ ngữ khắc họa hình ảnh người cha trong khổ thơ đầu tiên. Qua những từ ngữ đó, em có cảm nhận như thế nào về người cha ấy? Câu 3 (0.5 điểm). Em hiểu thế nào về hình ảnh chim trắng, chim hoà bình ? Câu 4 (1 điểm). Việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ “mỏ quạ đen” trong hai dòng thơ Con trong đó sớm hôm nức nở,/ Nghẹn lời ca dưới mỏ quạ đen mang lại hiệu quả nghệ thuật gì? Câu 5 (1 điểm). Trong văn học, nhiều tác phẩm ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng, đặc biệt trong hoàn cảnh chia xa. Sự xa cách trở thành thử thách, làm cho tình cảm ấy thêm sâu sắc, khiến người cha càng nhớ và thương con hơn. Hãy đặt mình vào vị trí của người con trong tác phẩm “Chim thêu” và ghi lại những suy nghĩ, tình cảm của em dành cho ba. II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1 (2 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích khổ thơ bốn của văn bản “Chim thêu” được trích trong phần đọc hiểu. Câu 2 (4 điểm). Ngày mai ấy, nước non một khối,Giở áo này, thấu nỗi niềm xưa,Đàn em con đó, bây giờ,Áo thêu chim trắng, tha hồ vui chơi. Phải chăng niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng là sức mạnh khiến cho chúng ta vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc sống? Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) để trình bày suy nghĩ của em về câu hỏi đó. HƯỚNG DẪN CHẤM Phần Câu Nội dung Điểm I Đọc hiểu 1 HS xác định đúng thể thơ Song thất lục bát 0.5 2 HS ghi đúng và đủ các từ ngữ khắc họa hình ảnh người cha trong khổ thơ đầu: đi dạo các cửa hàng bày áo trẻ con, lòng không khỏi riêng buồn, ngắm áo, nhớ con HS hiểu hình ảnh người cha: - Yêu thương, quan tâm và thương nhớ con vô cùng. - Buồn thương, mong mỏi được gặp con. 0.5 0.5 3 HS hiểu hình ảnh “chim trắng” “chim hòa bình” là hình thêu trên áo con nhỏ, đó còn là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng của khao khát hòa bình, thống nhất đất nước. 0.5 4 HS hiểu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp ẩn dụ - Hình ảnh quạ đen đối lập với chim hoà bình trong khổ thơ thơ, tạo ra sự tương phản mạnh mẽ giữa thế lực giặc thù tàn ác gây chia ra đất nước với ước mơ hòa bình, thống nhất. - Thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc của tác giả. - Giúp câu thơ giàu hình ảnh ấn tượng, giàu cảm xúc. 1.0 5 HS biết đặt mình vào vị trí của người con trong tác phẩm ghi lại những suy nghĩ, tình cảm của con dành cho ba: - Thương nhớ ba, xúc động trước tình cảm quan tâm yêu thương mà ba dành cho mình. - Thấu hiểu được nỗi lòng cha mong mỏi đất nước thống nhất để gia đình đoàn tụ, ba con gặp nhau. - Học tập, ngoan ngoãn nghe lời mẹ để ba yên tâm công tác. - Thêm yêu đất nước, biết căm thù bọn giặc gây tội ác chia cắt dân tộc. 1.0 II 1 Đoạn văn 2.0 a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn phân tích một đoạn thơ: - Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ và nội dung chủ đề, đặc sắc nghệ thuật. - Thân đoạn: Phân tích làm rõ được nội dung chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ. - Kết đoạn: Khái quát, tổng hợp lại 0.25 b. Xác định đúng yêu cầu phân tích: phân tích nội dung chủ đề, đặc sắc nghệ thuật và hiệu quả thẩm mĩ của một số yếu tố nghệ thuật trong đoạn thơ 0.25 c. Phân tích làm rõ được: - Nội dung chủ đề: tình cảm yêu thương mong nhớ con của người cha trong hoàn cảnh đất nước chia cắt. + Ba nhớ con chỉ biết ôm tấm áo xanh mua tặng con giữa ngực mà tưởng chừng như nghe thổn thức tiếng tim con đập. + Ba hình dung cặp mắt bâng khuâng đen tròn của con bơ vơ vì thiếu vắng cha. + Ba chắt chiu từng tiếng chim non mà hình dung ra tiếng con trẻ rít rít gọi mình… ⇨ Người cha có tình phụ tử, yêu thương con vô bờ bến. - Đặc sắc nghệ thuật: + Thể thơ song thất lục bát cách gieo vần chân, vần lưng cùng cách ngắt nhịp linh hoạt, giàu nhạc điệu phù hợp miêu tả tâm trạng nhớ con triền miên. + Ngôn từ giàu hình ảnh tô đậm nỗi lòng nhớ con như “tấm áo xanh” “tim con” “cặp mắt đen tròn”, phép ẩn dụ “ tiếng chim non gọi đàn” như thể tiếng con tha thiết trẻ gọi cha.. + Phép đảo từ ngữ “bâng khuâng cặp mắt đen tròn” + Các từ láy bâng khuâng thổn thức, chắt chiu giàu sức biểu cảm. 1.0 d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt 0.25 e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về đoạn thơ, có cách diễn tả sáng tạo, mới mẻ. 0.25 Lưu ý: Đoạn văn không yêu cầu về cấu trúc (kiểu đoạn), không yêu cầu về tiếng Việt nên HS cần đảm bảo dung lượng. 2 Bài văn 4.0 a. Đảm bảo cấu trúc một bài nghị luận - Mở bài: Nêu được vấn đề - Thân bài: Triển khai được vấn đề - Kết bài: Khái quát lại được vấn đề 0.5 b. Xác định đúng vấn đề nghị luận ; Phải chăng niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng là sức mạnh khiến cho chúng ta vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc sống? 0.5 c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng, đảm bảo các yêu cầu sau: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: - Giải thích vấn đề nghị luận - Thể hiện quan điểm của người viết: Niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng là một trong những sức mạnh khiến ta vượt qua khó khăn thử thách. + Hi vọng giúp con người giữ vững tinh thần lạc quan và không bao giờ từ bỏ. Trong những thời khắc khó khăn nhất, niềm tin vào một tương lai tươi sáng tạo động lực thúc đẩy chúng ta tiếp tục tiến về phía trước. + Trong cuộc sống hàng ngày, hi vọng cũng giúp ta đối mặt với những khó khăn cá nhân. Một học sinh đối mặt với áp lực học hành, thi cử nếu có niềm tin vào tương lai và sự cố gắng của mình, sẽ kiên trì hơn trong việc học tập. Người bệnh nếu có niềm hy vọng được chữa lành, sẽ có tinh thần lạc quan, giúp cơ thể tự phục hồi tốt hơn. + Niềm tin hy vọng còn là sức mạnh chiến đấu cho cả một dân tộc trong cảnh chia cắt bởi chiến tranh. Đơn cử như những người chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh, chính niềm hy vọng về một đất nước độc lập, tự do đã giúp họ kiên cường, dũng cảm đối mặt với hiểm ngụy * Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân để cho mình luôn có niềm hi vọng dẫu gặp khó khăn trong cuộc sống: - Rèn cho mình tư duy tích cực, nhìn vào những cơ hội mà khó khăn có thể đem lại. + Biết chấp nhận thất bại, khó khăn để vươn lên. + Học tập những tấm gương luôn lạc quan có niềm hi vọng tin tưởng vào điều tốt đẹp… 2.5 d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chính tả, ngữ pháp tiếng Việt 0.25 e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. 0.25 Hãy trải nghiệm sự khác biệt cùng TSH.EDU để biến bộ môn Ngữ Văn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hiệu quả! 📞 Hotline 0988.563.786 🌐 Website https://tsh-education.mysapo.net/ 📩 Email tsh.edu.vn ❤️Fanpage https://www.facebook.com/share/1BegUrAbKZ/?mibextid=wwXIfr 🎵Tiktok https://www.tiktok.com/@tsh.vanhoc ▶️ Youtube https://www.youtube.com/@TSH2018
“Khi nhìn thấy đàn em nhỏ thơ ngây đưa từng ánh mắt dõi theo mình. Tôi thấu hiểu đó là nỗi mong chờ, háo hức. Chúng bé nhỏ, ngây thơ, mỏng manh và đáng yêu quá. Dưới cái giá rét của miền sơn cước, các em chỉ có cái áo sơ mi mỏng, bàn chân lấm đầy bùn đất không mang tất, đôi dép tổ ong vẩn đục mòn gót. Khép nép một góc, co ro nhìn cô giáo dưới xuôi với ánh mắt “len lén, tò mò,rụt rè”. Hành trình của tình yêu thương Bỏ qua cuộc sống phồn hoa, nhộn nhịp nơi đô thị, chúng tôi vượt chặng đường xa hơn 200 km đến với thầy cô và học sinh trường THCS Phúc Sơn (Chiêm Hóa- Tuyên Quang). Bước xuống xe, trời đã tối đen như mực, cơn gió lạnh của núi rừng ùa vào làm tất cả chúng tôi thấy rùng mình. Mọi người trong đoàn đều đã thấm mệt, nhưng mọi mệt mỏi đều được xua tan bởi sự đón tiếp ân cần, chu đáo của thầy và trò trường THCS Phúc Sơn. Cô giáo Nguyễn Thị Hậu cùng thầy Nguyễn Văn Phong (Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Sơn tặng quà cho học sinh nghèo) Mục đích của chuyến đi lần này của thầy cô trường Lê Ngọc Hân mang rất nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm gắn bó, giao lưu đoàn kết giữa hai trường kết nghĩa. Bên cạnh đó là sự chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ của cô giáo Nguyễn Thị Hậu - Tiến sĩ văn học, giáo viên dạy văn trường THCS Lê Ngọc Hân cùng với thầy trò trường THCS Phúc Sơn. Đáng quý hơn nữa là sự gửi gắm tình yêu thương của cô giáo Hậu trong 70 chiếc áo rét cho các em học sinh nghèo Phúc Sơn. Tiết dạy mẫu bài đọc thêm "Muốn làm thằng cuội" của cô giáo Hậu lớp 8C (TrườnG THCS Phúc Sơn) Mang trong mình vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng và hiền từ. Đúng như tên gọi của cô, Cô giáo Nguyễn Thúy Hậu, giáo viên dạy Văn trường THCS Lê Ngọc Hân đã đọng lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thầy cô và các em học sinh trường THCS Phúc Sơn bởi lòng chân thành, yêu thương học sinh xuất phát từ chính trái tim, 70 chiếc áo khoác cô mang theo trong suốt chặng hành trình do chính tay cô chọn vải, đặt may. Chúng được gửi gắm trong đó là tình yêu và nỗi thương cảm đối với các học trò nghèo. Buổi sáng thứ Năm, giữa cái giá rét của mùa đông, cô giáo Hậu đứng trước học sinh toàn trường THCS Phúc Sơn. Giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt cô giáo miền xuôi: “Khi nhìn thấy đàn em nhỏ thơ ngây đưa từng ánh mắt dõi theo mình. Tôi thấu hiểu đó là nỗi mong chờ, háo hức. Chúng bé nhỏ, ngây thơ, mỏng manh và đáng yêu quá. Dưới cái giá rét của miền sơn cước, các em chỉ có cái áo sơ mi mỏng manh, bàn chân lấm đầy bùn đất không mang tất, đôi dép tổ ong vẩn đục mòn gót. Khép nép, co ro nhìn cô giáo dưới xuôi với ánh mắt len lén, tò mò, rụt rè”. Hình ảnh đó làm trái tim tôi xót xa quá. Tôi chỉ ước mình có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh hơn nữa”. Cô Hậu nghẹn ngào chia sẻ. Thầy Nguyễn Văn Phong, hiệu trưởng nhà trường đã có lời cảm ơn và ghi nhận tấm lòng chân thành của cô giáo Hậu: “ Chúng tôi rất xúc động trước sự nhiệt tình, tình cảm quý báu của cô giáo Hậu giành cho các em học sinh nghèo trong trường. Nghĩa cử cao quý của cô giáo càng thể hiện sự gắn bó đoàn kết, chia sẻ ngọt bùi “lá lành đùm lá rách” giữa hai nhà trường THCS Lê Ngọc Hân và THCS Phúc Sơn” Được mặc áo khoác mới, các em học sinh trường THCS Phúc Sơn mừng lắm, chúng cười đùa ríu rít, khuôn mặt rạng rỡ. Nhiều em người nhỏ quá, mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình nhưng khuôn mặt thì vẫn lấp lánh nụ cười. Em Nông thị Sen ( dân tộc Tày – học sinh lớp 8c) vui mừng nói khi nhận được áo ấm: “Mùa đông năm nay em đã có áo mới để mặc, áo khoác của cô Hậu ấm lắm, chưa bao giờ em được mặc chiếc áo này dày và ấm áp đến vậy. Chúng em cảm ơn cô giáo Hậu nhiều lắm”. Cô giáo Hậu mặc áo ấm cho học sinh người dân tộc Dao “Đã lâu lắm rồi em mới có được chiếc áo khoác mới để mặc, chiếc áo của cô giáo Hậu dày và ấm lắm, Tết sắp đến rồi mẹ không phải lo tiền mua áo ấm cho em mặc nữa. Em thấy vui lắm! Cô giáo Hà Nội như ngọn lửa sưởi ấm tấm lòng em”. Đó là những lời nói đầy xúc động của em Chẩu Quang Huy( dân tộc Tày – học sinh lớp 9b) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em đã cố gắng vươn lên trong học tập. Niềm vui được nhân đôi Thời tiết Phúc Sơn vào những ngày mùa đông rất giá rét nhưng vẫn có chút nắng hửng giữa trưa, không khí trong trường THCS Phúc Sơn rộn ràng tiếng ca hát, các lớp học vui tươi nhộn nhịp hơn hẳn ngày bình thường. Được đón cô giáo ở dưới xuôi lên các em học sinh phấn khởi lắm, không chỉ bởi vì có thêm áo ấm để mặc, mà điều đặc biệt hơn cả là các em được nghe cô giáo Hà Nội giảng bài, em nào cũng tò mò, háo hức. Trong chuyến lên thăm Phúc Sơn lần này, cô giáo Hậu đã giảng hai bài văn nằm trong chương trình đọc thêm của lớp 8 và lớp 7. Bài “Muốn làm thằng cuội” của Tản Đà( chương trình lớp 8) và bài “ Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng (chương trình lớp 7). Cả phòng học im phăng phắc, giọng nói của cô giáo Hậu vang lên trong trẻo và ấm áp đến lạ thường, các thầy cô giáo đến dự và các em học sinh như nuốt từng câu, từng chữ trong bài giảng của cô. Với lối giảng bài mới lạ, cuốn hút học sinh đi vào chủ đề trọng tâm trong bài giảng, cô Hậu đã tạo nên không khí sôi nổi trong phòng học, các em học sinh được khám phá những điều hết sức mới mẻ trong bài, khai thác triệt để tư duy sáng tạo của các em. Thầy Lê Viết Phương, chuyên viên phòng giáo dục huyện Chiêm Hóa, rất tâm đắc về hai giờ giảng của cô giáo Hậu: “ Giờ giảng của cô giáo Hậu không phải là giờ văn mẫu mà nó như là giờ thảo luận chia sẻ, khơi gợi sự sáng tạo của học trò, tạo được sự hứng thú đối với bài giảng của các em. Ở cô chúng tôi học được cách khai thác một văn bản đọc thêm khác với văn bản phân tích và chúng tôi như những “cánh hạc muốn bay mà không cất mình lên được”. Chính cách dạy của cô giáo Hậu đã đem đến ánh sáng mới về phong cách dạy môn văn cho các thầy cô giáo ở huyện Chiêm Hóa, cô giống như người thầy của tất cả giáo viên chứ không chỉ của các em học sinh” Cô giáo Ma thị Hoản giáo viên dạy Văn, Chủ nhiệm lớp 8c phấn khởi nói: “ Cùng là cô giáo dạy Văn, nhưng khi được dự tiết giảng của cô giáo Hậu chúng tôi thấy mình còn nhỏ bé quá. Phong cách giảng dạy cùng kiến thức bài giảng của cô giáo Hậu khiến chúng tôi phải học hỏi rất nhiều và từ bài giảng của cô Hậu tôi thấy mình cần phải trau dồi kiến thức và nghiệp vụ hơn nữa, thấy tâm huyết với nghề và yêu môn Văn nhiều hơn” Em Đỗ thị Hoàng Yến lớp trưởng lớp 8C cho biết: “ Em thấy giờ giảng của cô Hậu rất hay, cô giáo đã dẫn dắt đưa chúng em đến với bài giảng một cách rất gần gũi, với những ví dụ thực tế. Em mong muốn sẽ có thêm được nhiều giờ giảng hay như thế này để học sinh vùng cao có thể mở rộng thêm được sự hiểu biết của mình. Chúng em vẫn còn thiệt thòi quá” Hương Thắm Hãy trải nghiệm sự khác biệt cùng TSH.EDU để biến bộ môn Ngữ Văn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hiệu quả! 📞 Hotline 0988.563.786 🌐 Website https://tsh-education.mysapo.net/ 📩 Email tsh.edu.vn ❤️Fanpage https://www.facebook.com/share/1BegUrAbKZ/?mibextid=wwXIfr 🎵Tiktok https://www.tiktok.com/@tsh.vanhoc ▶️ Youtube https://www.youtube.com/@TSH2018
“Áo này em để dành diện Tết” - Đó là câu nói của các bạn học trò nghèo trường THCS Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) khi được nhận chiếc áo khoác ấm từ tay cô Nguyễn Thị Hậu – Tiến sĩ văn học, giáo viên trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội). Bằng tất cả tình yêu thương của một cô giáo, một người mẹ, cô đã tự tay chọn vải, đặt thợ may nên những chiếc áo ấm có màu đỏ hoa trạng nguyên với mong mỏi các em sẽ học hành đỗ đạt thành tài. Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) và trường THCS Phúc Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang ) kết nghĩa từ hồi tháng 4/2011 nhằm tạo sự giao lưu, chia sẻ khó khăn giữa miền xuôi và miền ngược. Chuyến đi này của cô Hậu như một sự “tiếp lửa” để tình cảm của hai trường ngày thêm gắn bó, thân thiết. Buổi sáng ngày giáp Tết, cái rét tái tê miền sơn cước không ngăn nổi sự háo hức, vui tươi của học trò trường THCS Phúc Sơn khi được đón chào cô giáo miền xuôi lên thăm trường. Vượt qua chặng đường gần 300 cây số, cô giáo Nguyễn Thị Hậu đã mang theo những chiếc áo khoác ấm – món quà nghĩa tình của cô dành tặng cho các em học trò nghèo. “Trời lạnh, nhìn các em run rẩy trong tấm áo sơ mi mỏng manh, đôi chân trần xỏ trong những chiếc dép tổ ong đã mòn vẹt gót, tôi thấy thương các em quá ! Hôm nay, tôi chỉ mang được 70 chiếc áo tặng cho 70 em học sinh của trường, mong rằng các em sẽ được ủ ấm trong suốt mùa đông giá lạnh. Ước gì ngay lúc này tôi có thêm thật nhiều quà để tặng các em…” – cô Hậu tâm sự. Được mặc áo mới ngay tại sân trường, các bạn nhỏ trường THCS Phúc Sơn cùng ngắm nghía rồi cười rạng rỡ. Bạn Lý Thị Sếnh, dân tộc Dao (lớp 8C) khoe : “Đây là chiếc áo đẹp nhất em được mặc từ trước tới giờ. Em sẽ dành để diện vào dịp Tết sắp đến. Cô Hậu đã mang mùa xuân đến với chúng em”. Còn bạn Ma Thị Triệu, dân tộc Tày (lớp 9B) thì bảo : “Vậy là Tết này mẹ em không phải mua áo mới cho em nữa. Chiếc áo này vừa đẹp, vừa ấm. Cảm ơn cô giáo Hậu nhiều lắm” ; Bạn Triệu Càn Liều, dân tộc Dao (lớp 6C) gấp luôn chiếc áo khoác cũ cho vào túi mang về tặng em gái : “Đầu mùa đông, thấy em rét quá, cô Mạc chủ nhiệm đã mua tặng emmột chiếc áo ấm. Nay, lại được cô Hậu tặng chiếc áo khoác mới, dù nó rất rộng so với thân hình gầy gò của em, nhưng em vẫn rất thích. Em sẽ nhường chiếc áo khoác cũ cho em gái 10 tuổi cũng chưa có áo khoác ấm”. Trong chuyến lên thăm thầy trò trường Phúc Sơn hôm ấy, cô Hậu không chỉ tặng áo ấm mà còn tình nguyện giảng bài cho các em học sinh nữa. Còn gì đặc biệt hơn khi được nghe cô giáo Hà Nội giảng bài, vì thế không chỉ học trò háo hức mà nhiều thầy cô giáo dạy văn ở các trường trong huyện cũng về dự. Cô giáo Hậu đã giảng hai bài văn: “Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng (chương trình lớp 7) và “Muốn làm thằng Cuội” của Tản Đà (chương trình lớp 8). Với phương pháp giảng bài hiện đại, cuốn hút học sinh đi vào chủ đề trọng tâm của bài giảng, cô Hậu đã tạo nên một giờ học hết sức sôi nổi. Tuy lần đầu nghe cô Hậu giảng bài, nhưng không bạn nào cảm thấy ngại ngùng, xa lạ mà luôn hào hứng giơ tay phát biểu. Cô Hậu đã biết cách khai thác triệt để tư duy sáng tạo của học trò. Bạn Hứa Thị Hoè (lớp 8C) tâm sự : “Chưa bao giờ mình được học một giờ văn ấn tượng đến thế. Bằng phương pháp giảng dạy hiện đại, cô Hậu giúp chúng mình nhanh hiểu bài và rất dễ nhớ. Chúng mình sẽ luôn nhớ đến cô giáo Hậu – cô giáo Hà Nội có giọng nói ngọt ngào và ấm áp, có cách giảng bài đầy sáng tạo…”. Thầy Lê Viết Phương, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Chiêm Hóa đã rất tâm đắc sau khi dự hai giờ giảng bài của cô giáo Hậu: “Tôi thực sự cảm động khi được dự giờ văn của cô giáo Thủ đô ngay tại huyện nhà. Cô Hậu đã chọn những bài rất khó dạy, học sinh không dễ cảm nhận để giảng mẫu. Cô đã sử dụng bản đồ tư duy vào giờ giảng rất linh hoạt, khéo léo giúp học trò hiểu bài nhanh, nhớ lâu. Và chính cô đã truyền cảm hứng dạy văn cho các thầy cô giáo huyện Chiêm Hóa dự giờ hôm nay”. Thầy Nguyễn Văn Phong, Hiệu trưởng trường THCS phúc Sơn bày tỏ : “Nghĩa cử của cô giáo Hậu đối với học trò trường THCS Phúc Sơn thật cao đẹp, nó như được nhân lên thể hiện sự gắn bó, kết nghĩa giữa hai trường Phúc Sơn và Lê Ngọc Hân. Hy vọng rằng, không chỉ có cô Hậu dạy văn, mà nhiều thầy cô giáo dạy các môn học khác ở miền xuôi cũng sẽ lên với vùng cao để cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy nhằm giúp miền núi tiến kịp với miền xuôi…”. Chia tay mà lòng đầy lưu luyến, cả cô và trò đều khóc vì những tình cảm chân thành, giản dị. Cô Hậu hứa sẽ quay lại Phúc Sơn nhiều lần nữa không chỉ giúp các em học sinh khó khăn về vật chất mà còn sẵn lòng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các đồng nghiệp – những người đang làm nghề “trồng người” cho tương lai. LƯU HÀ Hãy trải nghiệm sự khác biệt cùng TSH.EDU để biến bộ môn Ngữ Văn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hiệu quả! 📞 Hotline 0988.563.786 🌐 Website https://tsh-education.mysapo.net/ 📩 Email tsh.edu.vn ❤️Fanpage https://www.facebook.com/share/1BegUrAbKZ/?mibextid=wwXIfr 🎵Tiktok https://www.tiktok.com/@tsh.vanhoc ▶️ Youtube https://www.youtube.com/@TSH2018
Chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 10 Ngày 26/04/2016 nằm trong chương trình tu học của khóa tu Phật thất lần thứ 82, chùa Hoằng Pháp tiếp tục thực hiện chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 10 với chủ đề: “Cây Đời Mãi Xanh”. Nhân vật chính trong chương trình lần này là Phật tử Nhà giáo, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Hậu, pháp danh Phúc Lương Nhã. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn của thập niên 70-80 thế kỷ trước, cô không được học như những người bạn đồng trang lứa. Rồi căn bệnh hiểm nghèo, tưởng chừng như sụp đổ hoàn toàn trước mặt, nhưng với khát khao được đến trường, cô đã vượt qua tất cả. Với sự giúp đỡ của người thân, cô đã trải qua những năm tháng học phổ thông đầy vất vả song đầy ý nghĩa. Có lẽ, đây cũng chính là động lực để sau này cô trải lòng mình đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, giống như chính cuộc đời của mình. Vì sống trong hoàn cảnh khó khăn, việc học rất khó khăn nên cô đã nuôi ý chí làm sao sau này có thể giúp đỡ cho mọi người đều biết đến con chữ. Chính vì vậy, với sự nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, cô đã trúng tuyển, học tập và tốt nghiệp trường Sư phạm. Trong hơn 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cô đã luôn cố gắng vươn lên, mang con chữ đến với tất cả mọi người, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn. Với tình thương của một người giáo viên, thấy mọi người thất học, khổ sở, cô đã làm việc không hề mỏi mệt. Đây quả là tấm lòng của một vị Bồ-tát. Nhưng đường đời không phải lúc nào cũng trải hoa thơm, đôi lúc cũng có sỏi đá. Chính những lúc đó đã giúp cô tìm đến và giác ngộ Phật pháp. Hai hàng nước mắt chảy dài rồi mất niềm tin vào cuộc sống và Phật pháp đã giúp cô vượt qua tất cả, vững tin hơn vào cuộc sống, càng dấn thân nhiều hơn trong việc phụng sự của mình. Sự nhìn nhận, đón nhận tất cả để rồi cảm thông, chia sẻ, trải lòng ở khắp mọi nơi, đến với mọi người, đây là những động lực cho thành công của cô sau này. Điều quan trọng, Phật pháp đã đưa cô từ một nhà giáo bình thường thành một nhà giáo Phật tử. Vì rằng, không chỉ đơn thuần là truyền đạt tri thức mà cần nhất là giáo dục nhân cách làm người cho các thế hệ học trò, tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Nếu biết áp dụng một cách uyển chuyển giáo lý vào trong nhà trường chúng ta sẽ xây dựng được một thế hệ tương lai hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần rất lớn vào việc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ vài điều trong việc nuôi dạy con cái, trong giáo lý nhà Phật. Kết thúc câu chuyện của mình, cô đã nhắn nhủ đến quý Phật tử, chúng ta cần tự thắp đuốc lên trong tư duy, giáo lý của đức Như Lai. Mỗi người cần có một tấm lòng như tấm lòng chư Phật, Bồ-tát hướng đến tất cả mọi người. Và cuối cùng, “Nếu là con chim, chiếc lá. Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Ban đạo từ trong chương trình, Thượng tọa Thích Chân Tính đã có lời tán thán Phật tử Phúc Lương Nhã. Bên cạnh đó, Thượng tọa mong rằng tất cả quý Phật tử hãy lấy đó làm bài học cho mình. Là Phật tử, chúng ta phải noi theo tấm gương sáng ngời của đức Phật. Sau khi xuất gia, thành đạo cho đến cuối đời Ngài luôn đề cao sự nghiệp giáo dục lên hàng đầu, khuyến tấn hàng Phật tử phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, mình đạt được trí tuệ cần phải giúp cho mọi người cũng đạt được trí tuệ như mình. Mỗi người đều là Hoằng Pháp Viên, cần uyển chuyển khéo léo đưa Phật pháp vào từng phương diện trong cuộc sống, giúp cho tất cả mọi người cũng biết đến và tu học Phật pháp. Có như vậy, chúng ta mới tạo được niềm vui cho bản thân mình cũng như mang niềm vui đến với tất cả mọi người. Hãy trải nghiệm sự khác biệt cùng TSH.EDU để biến bộ môn Ngữ Văn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hiệu quả! 📞 Hotline 0988.563.786 🌐 Website https://tsh-education.mysapo.net/ 📩 Email tsh.edu.vn ❤️Fanpage https://www.facebook.com/share/1BegUrAbKZ/?mibextid=wwXIfr 🎵Tiktok https://www.tiktok.com/@tsh.vanhoc ▶️ Youtube https://www.youtube.com/@TSH2018
Hai năm qua, bên cạnh những người xung kích trên tuyến đầu chống dịch COVD-19, còn có rất nhiều người thầm lặng tiếp sức ở hậu phương. Trong đó có các nhà giáo miệt mài gieo chữ để trao truyền tri thức, đồng hành với người dạy, người học phát triển năng lực tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 và sách giáo khoa mới. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là một trong những nhà giáo như thế. Cô giáo có năng lực sư phạm khác thường Trong chuyến công tác đầu Xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua, tôi tranh thủ ghé thăm một gia đình người thân ở biên giới phía Bắc vào một buổi tối giá lạnh. Điều tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả gia đình xúm quanh chiếc máy tính để theo dõi một bài giảng trực tuyến. Chú em họ tôi chỉ vào màn hình nói: “Cô giáo này có năng lực sư phạm khác thường, bài giảng của cô nhiều kiến thức, kỹ năng cuốn hút đến nỗi thứ bảy tuần nào cả nhà em cũng ngóng vào Zoom học”. Thằng cháu nhanh miệng nối tiếp: “Bác ơi, cô giáo cháu có khả năng thôi miên, dạy “siêu” lắm, cháu từ sợ học văn giờ sang thích học văn rồi bác ạ!". Quả thật, tôi bị cuốn hút ngay bởi giọng nói truyền cảm và có nội lực. Những kiến thức cô truyền tải rõ ràng, mạch lạc, dường như trong đó là cả nhiệt huyết cháy bỏng yêu nghề và sức sáng tạo thiên phú cùng những kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ứng dụng công nghệ điêu luyện. Tôi đã hiểu vì sao cả nhà chú em tôi, vợ là giáo viên dạy Ngữ văn bậc trung học cơ sở (THCS), con trai mới vào học lớp 6 và chú em tôi đang làm cán bộ quản lý chuyên môn cấp sở lại có thể cùng học chung một buổi dạy của cô giáo mà vẫn rất phù hợp và bổ ích. Không phải mất nhiều thời gian, chỉ một vài từ khóa gõ trên Google, tôi đã có được khá nhiều thông tin về cô giáo dạy trực tuyến trên Zoom Free. Thú thực ban đầu nghe tên “cô giáo Hậu”, tôi chỉ nghĩ đó là một cô giáo dạy Ngữ văn bậc THCS. Nhưng điều bất ngờ với tôi bởi cô là nhà giáo dạy Ngữ văn bậc THCS có học vị tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ. Khi đó, giáo viên dạy THCS chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng. Kết nối với một số thầy, cô giáo ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi cô giáo Hậu từng học cao học và nghiên cứu sinh, các thầy cô đều nhận xét: Cô ấy là một học viên hiếu học, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, chỉ trong 5 năm đã được nhận hai tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ loại xuất sắc. Thật là hiếm có một giáo viên như thế. Kết nối với các đồng nghiệp của cô giáo Hậu ở các tỉnh mà cô đã đến chia sẻ chuyên môn, có người đã thốt lên: “Trời ơi, em cứ hình dung nữ tiến sĩ văn học người Hà Nội xuất hiện là sẽ như một ngôi sao. Thế nhưng chị ấy lại thân thiện và giản dị quá chừng”. Cô giáo Ma Thị Hoản, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) nói: “Là cô giáo có kinh nghiệm nhiều năm dạy môn văn, nhưng khi được dự tiết giảng của cô giáo Hậu, tôi thấy mình còn nhỏ bé quá. Phong cách giảng dạy cùng kiến thức của cô giáo Hậu khiến chúng tôi phải học hỏi rất nhiều. Từ bài giảng của cô Hậu, tôi thấy mình cần phải trau dồi kiến thức và nghiệp vụ hơn nữa, thấy tâm huyết với nghề và yêu môn Ngữ văn nhiều hơn”. “Cô giáo Hậu” cái tên bình dị ấy đã trở thành địa chỉ của trang cá nhân rất thân thương trên mạng xã hội và cũng là nơi rất nhiều người gửi gắm sự thương yêu, kính trọng. Công việc thầm lặng sau giờ lên lớp Sau nhiều lần kết nối lịch gặp trực tiếp, cuối cùng tôi đã đến được nơi cô giáo Hậu đang sống. Hóa ra cô thuê nhà ở ngay phố Lý Nam Đế, TP Hà Nội. Cô nói với tôi không phải do “kiêu” không muốn gặp nhà báo mà do công việc của cô bận quá, làm việc suốt và bản thân cô cũng không muốn “lên mặt báo” vì cô chỉ là một nhà giáo bình thường. Quả thật nhìn vào lịch làm việc tuần của cô, tôi vô cùng cảm phục bởi khối lượng công việc rất nhiều, nào là viết sách, soạn bài giảng, thu âm, sản xuất các video phụ họa... Để tiết kiệm thời gian cho việc ăn uống, cô luộc sẵn khoai lang, đến bữa chỉ cần vài lát khoai và... nước lọc. Khác với động cơ học tập của nhiều người thời đó, cô nhận bằng tiến sĩ Ngữ văn xong vẫn tiếp tục trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Vừa dạy học, cô vừa nghiên cứu chuyên sâu về đặc trưng các thể loại văn học để đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc dạy chuyên sâu như vậy sẽ chấm dứt được tình trạng dạy văn mẫu, dạy đọc chép, học sinh học thuộc lòng từng chữ của thầy, không còn khả năng sáng tạo. Với đam mê nghiên cứu và trách nhiệm với nghề, từ năm 2005, cô tham gia viết sách tham khảo môn Ngữ văn và các bài nghiên cứu về dạy văn học. Từ những đề tài nghiên cứu này, cô giáo Hậu đã được mời tham gia chương trình nghiên cứu sách giáo khoa mới. Từ nghiên cứu, cô lại bước sang lĩnh vực ứng dụng với vai trò tổ chức bản thảo, đọc thẩm định, góp ý đề cương, sách giáo khoa mới. Nói về số đầu sách cô làm tác giả, chủ biên, đồng chủ biên từ năm 2005 đến nay, cô không thể nhớ hết mấy chục cuốn. Nhìn vào giá sách của cô, tôi ước tính số trang sách cô viết xếp lại phải cao hơn người cô. Phòng làm việc của cô như một trường quay truyền hình với đủ loại máy chiếu, máy quay phim, máy thu âm, máy tính... Nhìn vào lịch làm việc đặc kín từ sáng sớm đến 12 giờ đêm, tôi lại càng cảm phục người phụ nữ đã tuổi trung niên mà sử dụng được tất cả phương tiện và nhiều phần mềm công nghệ như thế. Cô kể cho tôi nghe những nỗ lực khi một mình tự học trên mạng để kịp đáp ứng các bài giảng cho học sinh trong đại dịch Covid-19. Hai năm qua, cô đã tự làm hơn 1.000 video, thu âm, lồng tiếng, viết kịch bản, tạo ra những sản phẩm học liệu số. Nhưng tất cả việc đó với cô chưa thấm vào đâu, bởi hằng ngày cô còn dạy trực tuyến môn Ngữ văn THCS cho học sinh và giáo viên trên toàn quốc, viết sách tham khảo môn Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12. Cô Hậu nhớ lại: Năm 2018, CTGDPT 2018 được dư luận xã hội quan tâm rất nhiều. Tham gia tổ chức, soạn thảo, biên tập, góp ý chương trình từ những năm còn trong nghiên cứu nên cô nhận thấy đa phần giáo viên hoang mang, chưa hiểu hết cái hay, cái mới, cái tiến bộ của CTGDPT 2018. Vì vậy, cô đã tự sản xuất nhiều video chia sẻ thêm về những câu hỏi của giáo viên, cộng đồng mạng. Năm 2020, đại dịch Covid-19 buộc ngành giáo dục phải chuyển đổi từ việc dạy học trực tiếp sang dạy học online. Làm thế nào để học sinh hứng thú học? Làm thế nào để các thầy cô có bài giảng online chất lượng tốt?... Các câu hỏi đó thôi thúc cô tìm tòi, sáng tạo ra cách dạy, cách học online hiệu quả trên cơ sở kinh nghiệm của hơn 30 năm đứng lớp, hơn chục năm viết sách luyện thi.... Theo cô giáo Hậu, việc dạy online đối với mỗi giáo viên sẽ vất vả, nhưng nếu chuẩn bị chu đáo sẽ bảo đảm chất lượng và hiệu quả hơn so với việc dạy trực tiếp (offline). Bởi lẽ, trên các phần mềm trực tuyến, thầy cô chia sẻ được tài liệu, chuyển hóa video cho người học. Bên cạnh đó, người học không chỉ học một lần mà có thể học đến ba, bốn, năm lần qua những video bài giảng. Lòng nhân hậu được lan tỏa Từng là học trò rất nghèo, một sinh viên nghèo vượt khó nên cô Hậu luôn đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hạnh phúc lớn nhất của cô là được làm việc thiện. Giấy khai sinh và hồ sơ lý lịch của cô ghi rõ là Nguyễn Thị Hậu, nhưng mọi người thường gọi cô là Nhân Hậu bởi cô có tấm lòng nhân hậu. Cô Hậu không nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến đi làm từ thiện. Cô chỉ nhớ chuyến đi từ thiện ấn tượng nhất, đó là chuyến đi sau ngày bảo vệ luận án tiến sĩ (năm 2010). “Em đã dùng tất cả số tiền mừng của đồng nghiệp, bạn bè và người thân để mua vải, tự thiết kế, may 70 chiếc áo chống rét mang tên “Hoa trạng nguyên”, tự tay đóng hàng và lên xe khách đi Chiêm Hóa tặng học sinh nghèo. Sau khi tặng áo xong, em thấy số học sinh chưa được tặng áo đứng rét co ro. Hình ảnh đó cứ ám ảnh em. Trở về Hà Nội, em quyết định mang chiếc xe máy là tài sản duy nhất ra hiệu cầm đồ, để vay tiền mua thêm áo và lên ngay với các em. Trong tuần đó, trời Hà Nội rất lạnh. Nằm trong chăn ấm, em khóc thương lũ trẻ và thôi thúc mình phải làm thật nhanh”-cô Hậu nhớ lại. Lòng nhân hậu được lan tỏa. Gần đến ngày cô giáo Hậu mang áo đi, bạn bè của cô biết chuyện và rất nhiều áo, chăn đã được quyên góp, cùng cô giáo Hậu đến Chiêm Hóa. “Hai tuần sau đó, lại một chuyến đi với quy mô lớn, một đoàn xe chở đầy hàng hóa, trao đến tận các điểm trường xa nhất của huyện Chiêm Hóa với những giá trị vật chất lớn đến nỗi không thể thống kê. Điều đáng mừng là nhiều em học sinh được tặng chăn, tặng áo sau này trở thành kỹ sư, bác sĩ. Ước mơ “Hoa trạng nguyên” của em thành hiện thực”, cô Hậu xúc động kể. Phòng làm việc của cô giáo Hậu có khá nhiều thư cảm ơn của các đồng nghiệp, cha mẹ và học sinh gửi đến. Trong đó tôi thực sự xúc động khi đọc lá thư viết bằng thơ của cháu Hoàng Yến, dân tộc Tày, học sinh lớp 8C, Trường THCS Phúc Sơn. Bài thơ có đoạn: “Cô tuyệt đẹp bởi tấm lòng nhân hậu Như chính tên mình đã mấy chục mùa xuân! Áo ấm cô trao bé nghèo miền sơn cước Đẹp tựa lòng cô sưởi ấm trái tim con”. Tiếp xúc với cô giáo Hậu, trao đổi với các đồng nghiệp và học sinh của cô, tôi lại càng thấy lẽ sống của cô đúng như tên gọi: Nhân Hậu. Hãy trải nghiệm sự khác biệt cùng TSH.EDU để biến bộ môn Ngữ Văn trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hiệu quả! 📞 Hotline 0988.563.786 🌐 Website https://tsh-education.mysapo.net/ 📩 Email tsh.edu.vn ❤️Fanpage https://www.facebook.com/share/1BegUrAbKZ/?mibextid=wwXIfr 🎵Tiktok https://www.tiktok.com/@tsh.vanhoc ▶️ Youtube https://www.youtube.com/@TSH2018